Tống đạt là gì? Thủ tục tống đạt được thực hiện như thế nào? Người thực hiện tống đạt có bắt buộc là Thừa phát lại?

(có 1 đánh giá)

Tống đạt là gì? Các thủ tục tống đạt cũng như người thực hiện tống đạt là ai được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Tống đạt là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có nêu định nghĩa về tống đạt như sau:

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng nêu giải thích về Thừa phát lại là gì, theo đó:

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Tống đạt là gì? Thủ tục tống đạt được thực hiện như thế nào? Người thực hiện tống đạt có bắt buộc là Thừa phát lại?

Tống đạt là gì? Thủ tục tống đạt được thực hiện như thế nào? Người thực hiện tống đạt có bắt buộc là Thừa phát lại? (Hình từ Internet)

Thủ tục tống đạt được thực hiện như thế nào?

Thủ tục tống đạt hiện nay được quy định tại Chương X Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, gồm có các thủ tục như thông báo văn bản tố tụng, thông báo bằng phương tiện điện tử, thông báo trực tiếp cho cá nhân và thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức. Cụ thể đối với từng thủ tục tống đạt như sau:

* Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

- Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt, thông báo phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

- Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng.

Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án.

Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

(Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

*Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử

Theo Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Theo đó, tại Điều 20 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định về nội dung Tòa án cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử như sau:

Trong trường hợp người khởi kiện, người tham gia tố tụng đã đăng ký gửi và nhận, đăng ký nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án và được Tòa án chấp nhận theo quy định tại Điều 12, Điều 15 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP thì văn bản tố tụng do Tòa án ban hành theo quy định của pháp luật tố tụng phải được Tòa án gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã được đăng ký của người khởi kiện, người tham gia tố tụng trong thời hạn pháp luật quy định.

*Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân

- Văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo đến địa chỉ mà các đương sự đã gửi cho Tòa án theo phương thức đương sự yêu cầu hoặc tới địa chỉ mà các đương sự đã thỏa thuận và đề nghị Tòa án liên hệ theo địa chỉ đó.

- Người được cấp, tống đạt, thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ. Đương sự phải ký nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho Tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì phải cấp, tống đạt, thông báo theo địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Đương sự phải ký nhận hoặc điểm chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nếu họ không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới thì Tòa án thực hiện theo quy định tại Điều 179 và Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

- Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

(Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

*Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

- Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt, thông báo.

- Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng hoặc vắng mặt thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

(Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Người thực hiện tống đạt có bắt buộc là Thừa phát lại?

Căn cứ quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. Cụ thể, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng do những người sau đây thực hiện:

- Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.

- Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.

- Nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.

- Người có chức năng tống đạt.

- Những người khác mà pháp luật có quy định.

Như vậy, có thể thấy ngoài Thừa phát lại ra thì còn có những người được thực hiện chức năng tống đạt theo quy định đã nêu trên. Vì thế người thực hiện tống đạt không bắt buộc phải là Thừa phát lại.

(có 1 đánh giá)
Lê Nguyễn Anh Hào
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.084 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Thừa Phát Lại hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Thừa Phát Lại
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Thừa Phát Lại hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Thừa Phát Lại