03 Loại bảo hiểm bắt buộc trong doanh nghiệp hiện nay

(có 2 đánh giá)

Khi phỏng vấn tìm việc làm người sử dụng lao động luôn cam kết với người lao động rằng sẽ được hưởng các đãi ngộ chế độ phúc lợi trong đó có đóng bảo hiểm. Nhưng thật chất vẫn có nhiều người lao động còn mơ hồ về các loại bảo hiểm này. Bài viết sẽ giải thích rõ về các chế độ bảo hiểm và các loại bảo hiểm trong doanh nghiệp hiện nay.

Bảo hiểm bắt buộc là gì?

Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

03 loại bảo hiểm bắt buộc phải đóng trong doanh nghiệp hiện nay gồm: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Đối tượng tham gia:

Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gồm:

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Tóm lại: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia.

Mức đóng

Được quy định tại: Khoản 1 Điều 85; Khoản 1, 3 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Điều 13, Nghị định 143/2018/NĐ-CP; Điều 3 Nghị định 44/2017/NĐ-CP cụ thể như sau:

Người sử dụng lao động:

17,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động, trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Riêng, đối với người lao động là công dân nước ngoài: bắt đầu đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022; 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/12/2018.

Người lao động:

8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Riêng, đối với người lao động là công dân nước ngoài bắt đầu từ ngày 01/01/2022.

Các chế độ được hưởng:

Khoản 1, Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các chế độ được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội gồm có:

Chế độ ốm đau.

Chế độ thai sản.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hưu trí.

Chế độ tử tuất.

Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế hay bảo hiểm sức khỏe là một hình thức bảo hiểm theo đó người mua bảo hiểm sẽ được cơ quan bảo hiểm trả thay một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cũng như chi phí mua thuốc men khám chữa bệnh.

Đối tượng tham gia:

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết về nhóm 05 đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế bao gồm:

Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;

Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng;

Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;

Nhóm tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Mức đóng:

Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.

Căn cứ theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 và Nghị định 146/2018 NĐ-CP quy định chi tiết về mức đóng BHYT. Cụ thể:

Đối với 3 nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng và nhóm do Ngân sách Nhà nước đóng: Mức đóng BHYT là 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng.

Đối với nhóm hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với nhóm do Ngân sách nhà nước đóng: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo có mức hỗ trợ tối thiểu là 70% tiền lương cơ sở; học sinh, sinh viên; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp có mức thu nhập trung bình có mức hỗ trợ tối thiểu là 30% tiền lương cơ sở.

Các chế độ được hưởng:

Chi phí khám, chữa bệnh các bệnh thông thường, chưa kể đến các bệnh nan y tại các cơ sở y tế hiện nay không phải là con số nhỏ. Bằng việc tham gia BHYT, tùy thuộc vào tuyến khám, chữa bệnh, người tham gia sẽ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần.

Điều 22, Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH quy định chi tiết về quyền lợi mà người dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm thất nghiệp

Khoản 4 điều 3 Luật Việc làm 2013 quy định Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng tham gia

Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định rõ 02 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể:

Người lao động

Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tuy nhiên, người lao động đang trong tình trạng hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức hàng tháng nhưng tiếp tục đi làm thêm có hợp đồng lao động thì sẽ không thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHTN.

Đơn vị sử dụng lao động

Người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp động lao động đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.

Mức đóng:

Căn cứ Điều 57, Luật Việc làm 2013 quy định chi tiết mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và đơn vị sử dụng lao động như sau:

Người lao động đóng 1% tiền lương tháng;

Đơn vị sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng.

Mức hưởng:

Căn cứ Điều 50, Luật Việc Làm thì người lao động được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trên đây là tất tần tật các loại bảo hiểm bắt buộc mà người lao động phải tham gia khi làm việc tại các doanh nghiệp.Hãy chú ý và yêu cầu doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho bạn để đảm bảo các quyền lợi cho mình trong lúc làm việc.

(có 2 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.625 
Việc làm mới nhất