04 điều cần biết về thủ tục công chứng hiện nay

(có 2 đánh giá)

Tôi cần biết những điều cần phải chuẩn bị trước khi thực hiện thủ tục công chứng theo quy định hiện hành? – Hải Nam (Thanh Hóa)

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

04 điều cần biết về thủ tục công chứng hiện nay

04 điều cần biết về thủ tục công chứng hiện nay (Hình từ Internet)

Sau đây là một điều về thủ tục công chứng hiện nay cần phải biết:

1. Cần mang gì khi đi công chứng?

Theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, khi công chứng hợp đồng, giao dịch thì cần phải có các giấy tờ liên quan như sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch. Thông thường dự thảo sẽ do công chứng viên soạn thảo căn cứ vào sự trình bày của người yêu cầu công chứng hoặc chính người yêu cầu công chứng có thể tự soạn dự thảo hợp đồng để công chứng viên kiểm tra nội dung, hình thức không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Trong đó có thể kể đến Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan.

Trong đó, giấy tờ cần nộp có thể là bản in, bản chụp hoặc bản đánh máy và không phải chứng thực. Tuy nhiên, khi nộp các giấy tờ này, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để công chứng viên tiến hành kiểm tra, xác minh.

2. Đi công chứng hợp đồng, giao dịch ở đâu?

Để thực hiện việc công chứng, người yêu cầu phải đến tổ chức hành nghề công chứng.

Theo quy định tại Luật Công chứng 2014, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, cụ thể:

- Phòng công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, trực thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng - công chứng viên, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm.

- Văn phòng công chứng phải có từ 02 công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng phòng - là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng.

Ngoài ra cá nhân còn có thể công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;

- Người yêu cầu công chứng đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;

- Người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

3. Thời hạn công chứng là bao lâu?

Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng.

Cụ thể là không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Đối với các hồ sơ công chứng thừa kế liên quan đến Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế, Văn bản khai nhận di sản thừa kế… thì thời gian xác minh, giám định, niêm yết thông báo… không thuộc thời hạn công chứng.

(Điều 43 Luật Công chứng 2014)

4. Người đi công chứng sẽ phải nộp những chi phí gì?

Chi phí công chứng gồm hai loại là phí công chứng và thù lao công chứng.

- Phí công chứng gồm: Phí công chứng hợp đồng giao dịch; phí công chứng bản dịch; phí lưu trữ di chúc; phí cấp bản sao văn bản công chứng. Phí công chứng hiện đang được quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC gồm hai loại:

+ Theo giá trị của hợp đồng hoặc giá trị của tài sản gồm các việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… quyền sử dụng đất; hợp đồng vay tiền; hợp đồng thế chấp…

Đơn cử:

Dưới 50 triệu đồng: 50 nghìn đồng/trường hợp.

Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng: 100 nghìn đồng/trường hợp.

Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng: 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch.

+ Không theo giá trị của tài sản hoặc hợp đồng: Có thể kể đến công chứng hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền, sửa đổi hợp đồng không làm tăng/giảm giá trị tài sản hoặc hợp đồng; di chúc,..

Đơn cử:

Công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp: 40 nghìn đồng/trường hợp.

Công chứng hợp đồng ủy quyền: 50 nghìn đồng/trường hợp.

Công chứng di chúc: 50 nghìn đồng/trường hợp.

- Thù lao công chứng: Là các khoản chi phí khác liên quan đến việc công chứng khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng mà người yêu cầu công chứng phải trả.

Thù lao công chứng được thực hiện theo thoả thuận giữa người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

(có 2 đánh giá)
Trần Thanh Rin
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.312 
Việc làm mới nhất