07 điều người ngoài không biết về nghề Luật sư

(có 3 đánh giá)

Luật sư không còn là một ngành nghề quá xa lạ trong xã hội, ai cũng biết sơ bộ về một “Luật sư”, cũng hình dung ra công việc của một Luật sư một cách khái quát. Tuy nhiên chỉ có những người theo nghề Luật, học Luật hoặc bỏ thời gian ra tìm hiểu mới thật sự hiểu tường tận, chi tiết Nghề Luật sư là gì, công việc bao gồm những gì, hành nghề ra sao…chứ đại bộ phận cộng đồng vẫn hiểu Luật sư một cách khá mơ hồ. Vậy nghề Luật sư có những “bí mật” nào mà ở bên ngoài không biết? Cùng NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT làm rõ nhé.

1. Luật sư là ai?

Luật sư là một người có đầy đủ những dấu hiệu sau:

- Là một người có bằng cử nhân Luật;

- Trải qua khóa đào tạo nghề Luật sư của Học viện Tư pháp;

- Hoàn thành 01 năm tập sự nghề Luật sư;

- Vượt qua kì thi kiểm tra quá trình tập sự nghề Luật sư;

- Được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư và tham gia Đoàn Luật sư tại Tỉnh/TP trực thuộc TW.

Bạn có thể thấy, để trở thành một Luật sư, bạn phải qua nhiều bước và nó thật sự gian nan và tốn kém.

Luật sư có thể hành nghề với tư cách cá nhân, cũng có thể hành nghề trong một tổ chức hành nghề Luật sư nào đó được thành lập đúng quy định. Khi hành nghề, Luật sư chịu sự quản lý và giám sát bởi Đoàn luật sự trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

2. Luật sư làm những việc gì?

Theo quy định của Luật Luật sư 2006 thì Luật sư nhận thực hiện các dịch vụ pháp lý (bao gồm hoạt động tố tụng) theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức:

– Tư vấn pháp luật

– Đại diện theo uỷ quyền (có hợp đồng thù lao) các dịch vụ làm thủ tục như: nhận con nuôi, xuất nhập cảnh, sang tên chuyển nhượng GCNQSD đất…

– Tham gia bảo vệ cho bị can, bị hại trong giai đoạn tố tụng (tình nghi, khởi tố, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử..); bào chữa cho bị cáo tại phiên toà (giúp bị cáo làm đơn kháng cáo, đề nghị kháng nghị); trợ giúp pháp lý cho người có quyền và lợi ích bị xâm hại (bị vu khống, bị thôi việc, bị tước giấy phép hành nghề)…

3. Luật sư cung cấp dịch vụ khi nào? Cho đối tượng nào?

Bất cứ cá nhân, tổ chức, cơ quan ban ngành hay pháp nhân Việt Nam hoặc nước ngoài nào đều có thể cần đến luật sư Việt Nam nếu muốn trợ giúp pháp lý hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (những gì được pháp luật VN công nhận, đảm bảo thi hành hoặc bảo hộ) của mình tại VN.

07 điều người ngoài không biết về nghề Luật sư

07 điều người ngoài không biết về nghề Luật sư (Hình từ Internet)

4. Luật sư có phải là “Biết tuốt” không?

Câu trả lời là KHÔNG. Ngay cả trong giới hạn nghề Luật, một Luật sư chưa chắc đã giỏi trong việc đi kê khai, làm các thủ tục hành chính hơn một chuyên viên đã làm quen tay. Tuy nhiên về mức độ hiểu biết chung, có thể nói đây là một yêu cầu cần có của một Luật sư. Có thể một Luật sư sẽ không quá am hiểu về thủ tục đăng ký đất đai, nhưng chắc chắc Luật sư đó biết để đăng ký đất đai sẽ cần những yêu cầu gì, hồ sơ tài liệu chuẩn bị được quy định ở đâu… Hoặc một Luật sư cũng phải biết về các thủ tục thương mại quốc tế theo như Incoterms, hoặc phải biết về thị trường tài chính… Nói một cách dễ hiểu, Luật sư không đòi hỏi và không thể đòi hỏi Luật sư phải hiểu sâu tất cả các lĩnh vực, nhưng để là một Luật sư giỏi thì cần phải có góc nhìn rộng, có mức độ am hiểu chung về xã hội, và đương nhiên là phải chuyên sâu một vài lĩnh vực nào đó mà mình thực sự có thế mạnh.

VD như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, thể thao, công nghệ, khoa học kỹ thuật, sinh học, môi trường, lịch sử, khí tượng, viễn thông, nghệ thuật, điện ảnh… Đa phần luật sư khi hành nghề chỉ chuyên sau một mảng lĩnh vực pháp lý nào đó. VD như dân sự, hình sự, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, hôn nhân gia đình, vị thành niên, luật quốc tế…

Vì thế nếu là một tổ chức hành nghề luật chuyên nghiệp, khi khách hàng cần trợ giúp pháp lý thuộc mảng nào đó, thì tổ chức luật sư sẽ phân công luật sư chuyên trách đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

5. Thù lao của Luật sư tính như thế nào?

Luật sư tính phí theo 2 phương thức sau:

– Theo vụ việc: LS xem xét mức độ đơn giản hay phức tạp của vụ việc mà khách hàng cần giúp đỡ để tính phí:

+ Vụ án dân sự có phí khác vụ án hành chính; vụ án hôn nhân khác vụ án thương mại

+ Vụ án chỉ bảo vệ trong 1 giai đoạn (tiền tố tụng/trước khi toà thụ lý vụ án – giai đoạn sơ thẩm – giai đoạn phúc thẩm) có phí khác với vụ án bảo vệ trong suốt vụ án đến khi có phán quyết hiệu lực pháp luật cuối cùng (hoặc chỉ sơ thẩm hoặc cả phúc thẩm và giám đốc/tái thẩm)

– Theo thời gian: LS tính phí tư vấn trực tiếp theo giờ, hoặc giải quyết vụ việc theo ngày.

Nói chung, mức thù lao được tính theo: nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; thời gian và công sức của luật sư được sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, tuỳ vào uy tín và sự nổi tiếng, kinh nghiệm của mình mà luật sư có những mức phí/thù lao khác nhau. Hoặc thậm chí có những luật sư ra giá tuỳ theo đối tượng khách hàng của mình; hoặc tuỳ theo giá ngạch của vụ án (giá trị tài sản tranh chấp) mà luật sư có mức phí tỷ lệ thuận với giá ngạch. Trong thực tế, mức thù lao của luật sư còn dựa vào các yếu tố như nơi hành nghề (ở thành thị và những khu vực trung tâm hành chính – kinh tế thì thù lao luật sư thường cao hơn các nơi khác); kết quả công việc; tư vấn (ý kiến pháp lý của luật sư chỉ được đưa ra sau khi luật sư bỏ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và kiểm tra đối với công việc được giao) và một số chi phí hoạt động khác.

6. Khi nào luật sư không lấy phí?

Rất nhiều trường hợp luật sư tư vấn pháp luật miễn phí: Tư vấn qua tương tác mạng xã hội, qua website nội bộ, qua điện thoại riêng; hoặc tại các văn phòng/công ty luật.

Thông thường luật sư tư vấn miễn phí ở trong hai trường hợp sau:

+ Tư vấn cho các cá nhân thuộc diện “yếu thế”: người nghèo/cận nghèo, người khuyết tật, thương binh, người thuộc diện chính sách/có công cách mạng, trẻ em vị thành niên…

+ Tư vấn các vấn đề giản đơn, ít đầu tư công sức, thời gian.

7. Những yếu tố giúp bạn trở thành Luật sư giỏi

Để trở thành một Luật sư giỏi, ngoài những kiến thức pháp lý (luật nội dung- luật hình thức), người Luật sư còn cần phải có những kỹ năng nghề nghiệp vững chắc.

- Đạo đức nghề nghiệp:

Là một luật sư nói riêng và người làm trong lĩnh vực pháp luật nói chung thì nhất thiết bạn phải có đạo đức – chính trị tốt, luôn trung thành với sự thật. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên nghề luật là nghề cần thiết hơn cả. Sự trung thực với sự thật, trung thành với luật pháp của những người luật sư sẽ góp phần làm cho xã hội trong sạch hơn.

- Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề:

Người ta vẫn thường hay gọi luật sư là các thầy cãi cũng bởi nghề luật là nghề nói, nghề cãi. Vì vậy kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng thuyết phục, diễn giải vấn đề 1 cách khúc chiết luôn là những kỹ năng quan trọng nhất. Hãy thử tưởng tượng xem, trong 1 phiên tòa mà vị luật sư cứ nói ấp a ấp úng, diễn đạt lủng củng, không rành mạch… thì liệu thân chủ của anh ta có bao nhiêu phần trăm thắng cuộc? Để có được những kỹ năng này, bạn cần phải chịu khó rèn luyện ngay từ bây giờ. Hãy tập nói 1 mình trước gương hay cùng 1 vài người bạn tập hợp lại để tranh luận về một vấn đề cùng quan tâm. Bạn cũng có thể tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Một điều nữa là trước khi diễn thuyết, bạn nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề mình sẽ nói, lên dàn bài cho nội dung mình sẽ nói…

- Tư duy phân tích, tổng hợp, phán đoán, và tư duy logic:

Cần phân tích các hành vi xảy ra trong vụ kiện, sau đó xâu chuỗi tất cả những hành vi này thành một hệ thống, thấy đâu là nguyên nhân, là điều cốt lõi của vụ kiện hay là một cánh cửa mở để đi theo nó mà thu thập thông tin tiếp. Tất cả những sự tư duy này luôn phải đảm bảo nguyên tắc logic chứ không thể đem cách suy nghĩ cảm tính vào được. Sự hiểu biết về tâm lý con người nói chung và tâm lý tội phạm nói riêng cũng sẽ giúp cho những luật sư dễ dàng tìm ra nguyên nhân của những hành vi phạm tội.

- Ngoại ngữ

Bên cạnh những điều kiện, kỹ năng trên, bạn cũng cần phải có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể làm việc tốt trong thời đại hội nhập ngày nay. Là một luật sự giỏi, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào các vụ kiện tụng mang tính chất quốc tế hay các vụ kiện tụng có sự tham gia của người nước ngoài ở Việt Nam. Những vụ như vậy sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm cũng như một khoản thù lao không nhỏ đó. Đừng để rào cản ngôn ngữ mà hạn chế khả năng, cơ hội của mình.

(có 3 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
5.825