Đi làm, quản lý thời gian như thế nào cho hiệu quả?

Ở bất kì giai đoạn nào trong cuộc sống, kỹ năng quản lý thời gian tốt sẽ giúp cho từng kế hoạch nhỏ trong cuộc đời chúng ta được thực hiện trơn tru hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt khi đi làm, khi bạn đổi sức lao động để đem lại giá trị thặng dư, thì kỹ năng quản lý thời gian lại càng đặc biệt quan trọng hơn nữa.

1. Quản lý thời gian là gì?

Là sử dụng quỹ thời gian cá nhân một cách có kế hoạch sao cho tối đa được hiệu quả sử dụng. Không để thời gian lãng phí, không để thời gian trôi qua vô nghĩa hoặc trôi qua với những giá trị đem lại không tương xứng với tiềm năng của nó. Đó chính là quản lý thời gian.

2. Quản lý thời gian để làm gì?

  • Để kiểm soát được những việc ta cần làm;
  • Để đánh giá mức độ tiêu tốn thời gian và có sự sắp xếp từng công việc hợp lý theo thứ tự ưu tiên;
  • Để nâng cao năng suất lao động;
  • Để có nhiều thời gian tái đầu tư cho bản thân như: học tập, giải trí, chăm sóc gia đình, bạn bè…

Mỗi chúng ta sống trên cuộc đời này, mỗi ngày trôi qua ai cũng có một quỹ thời gian như nhau. Để tạo ra sự khác biệt ta cần phải tranh thủ quỹ thời gian đó, sử dụng nó hợp lý nhất có thể, tạo ra hiệu quả nhiều nhất có thể.

3. Quản lý thời gian như thế nào để hiệu quả?

- Cần có sổ cá nhân để lên check list công việc hằng ngày:

Khi bắt đầu ngày mới, bạn cần lên danh sách những công việc lớn cần làm trong ngày. Sau đó, ước chừng chừng những công việc đó sẽ tiêu tốn thời gian bao lâu. Những công việc đó sẽ phải thực hiện vào khoảng thời gian nào.

Sau khi sắp xếp được những việc lớn, ước chừng được khoảng thời gian tiêu tốn cho những công việc đó. Bạn sẽ có được những khoảng giữa trong những công việc bạn đã lên danh sách, sẽ có những khoảng thời gian trống này, từ đó bạn sẽ sắp xếp những công việc ít tốn thời gian hơn, ít quan trọng hơn xen kẽ vào để thực hiện nó theo thứ tự.

Ví dụ: Các công việc nhỏ như đọc vài trang trong một quyển sách, cập nhật lại một tí kiến thức liên quan tới việc đang làm, đọc một tí tin tức, giành một tí thời gian để giải trí, nhắn tin cho người yêu…

Khi lên được danh sách những công việc này bằng việc sắp xếp một cách linh hoạt, bạn sẽ tránh được trường hợp bỏ sót những việc cần làm trong ngày.

- Tạo thói quen trật tự và thật ngăn nắp:

Điều này hết sức quan trọng. Khi có sự ngăn nắp, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm một món đồ nào đó, tìm kiếm một tập hồ sơ nào đó.

- Từ bỏ thói quen trì hoãn:

“Từ từ rồi làm” “Lát nữa rồi làm” “Chiều rồi làm” là những câu thần chú chết người với mục tiêu quản lý thời gian hiệu quả. Việc đến đâu làm đến đó, trễ kế hoạch thì hãy tang tốc độ,  kéo dài thời hạn trong ngày, trong tuần để cho xong… đừng để… “hôm sau rồi làm”.

- Cai nghiện mạng xã hội:

Bạn không dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội trừ khi bạn kiếm ra tiền từ nó. Đó là một chân lý không bao giờ sai. Mạng xã hội có một sức hút thật lạ kì, giúp con người kết nối với nhau một cách thật dễ dàng. Và cũng chính nó giết chết thời gian một cách hiệu quả nhất. Trừ những lúc cho phép mình giải trí, đừng dành thời gian cho mạng xã hội, đừng để nó ảnh hưởng tới tiến độ công việc bạn đang làm.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.641