Không nên so sánh thu nhập của một Cử nhân Luật mới ra trường và Cô bán hủ tiếu

Thu nhập của cô bán hủ tiếu cao hơn thu nhập của một cử nhân Luật mới ra trường. Phép so sánh này thoạt nghe thì có vẻ hơi chạnh lòng, nhưng khi đánh giá phép so sánh bằng phương pháp luận thì dù ở góc nhìn nào cũng có những vấn đề bất ổn.

Về nguyên tắc, mọi phép so sánh phải được đặt trên cùng hệ quy chiếu thì phép so sánh đó mới có giá trị. Ở đây cô bán hủ tiếu và một cử nhân Luật mới ra trường, có cùng hệ quy chiếu hay không? Hãy cùng phân tích dưới 02 góc nhìn…

1. Dưới góc nhìn của một Cử nhân Luật

Nếu bạn là một Cử nhân mới ra trường, vào một ngày đẹp trời bạn nghe thấy thu nhập của cô bán hủ tiếu có thể lên tới 700 800 nghìn đồng/ngày. Bạn thấy choáng vì con số này có thể gấp đôi số tiền mà bạn kiếm được với mỗi ngày đi làm. Và từ đó bạn bắt đầu thấy chạnh lòng. Nhưng khoan nản chí, hãy cùng nhau làm rõ một số vấn đề…

Về thời gian làm việc

Với một Cử nhân Luật mới ra trường, dù chọn định hướng công việc là gì thì hầu hết đều tiếp xúc với công việc mà thời giờ làm việc chỉ gói gọn trong giờ hành chính. Tùy vào tính chất công việc mà khoảng thời gian đó có thể giao động từ 7h30 sáng tới 18h tối, tính luôn cả thời gian di chuyển. Số ít các vị trí công việc có thê phải làm thêm giờ, ví dụ như trợ lý Luật sư phải thức đêm để hoàn thành bản luận cứ để vài ngày sau Luật sư dự phiên Tòa. Nhưng khoảng thời gian đó không nhiều, bù lại có những ngày vị trí trợ lý Luật sư thật sự rất rảnh vì không có án để làm.

Còn với cô bán hủ tiếu, để nấu một nồi hủ tiếu bán buổi sang thì cô phải thứ dậy lúc 2 3h sáng để hầm nước xương cho ngọt, để chuẩn bị các nguyên vật liệu như rau giá, hủ tiếu, bò viên… để 6h sáng là bán, bán liên tục tới 10h sang, sau đó dọn dẹp là hết giờ trưa. Buổi chiều cô bán hủ tiếu cũng không được nghỉ vì phải đi chợ, mua sắm nguyên vật liệu để chuẩn bị cho nồi hủ tiếu sáng hôm sau. Còn với cô bán hủ tiếu bán khuya thì cũng với vòng quay như vậy, cô phải thức bán tới 1 2h sáng hôm sau là chuyện bình thường. Sau đó dọn dẹp về nhà là tới tờ mờ sáng. Nghỉ ngơi một tí rồi cô phải tiếp tục đi chợ mua đồ chuẩn bị tiếp cho nồi hủ tiếu tiếu theo.

Xét về thời gian làm việc, đã có sự khác biệt rõ rệt của một cử nhân Luật với cô bán hủ tiếu, có thể thấy áp lực về mặt thời gian làm việc của Cử nhân Luật có nhiều đi nữa thì cũng không khắc nghiệt bằng cô bán hủ tiếu. Cho nên thu nhập của cô có cao hơn Cử nhân Luật mới ra trường cũng là chuyện dễ hiểu.

Về địa điểm làm việc

Cử nhân Luật hầu hết là làm việc ở môi trường văn phòng, số ít đi làm ở bên ngoài nhưng cũng không thường xuyên. Ngồi trong văn phòng, Cử nhân Luật không phải chịu áp lực của mưa nắng thất thường, khói bụi của đường phố.

Còn với cô bán hủ tiếu thì ngược lại, cô phải làm việc trong môi trường nắng mưa thất thường và thường xuyên phải chịu khói bụi. Có thể thấy, xét về địa điểm làm việc thì cô hủ tiếu phải chịu nhiều khó khăn, áp lực hơn, cho nên thu nhập cao hơn là điều dễ hiểu.

Về áp lực và rủi ro công việc

Với Cử nhân Luật ra trường thì chưa được giao nhiều trách nhiệm, công việc quan trọng có độ khó cao. Cho nên áp lực công việc không nhiều. Lỡ có sai trong công việc cùng lắm là bị sếp la mắng, khách hàng phàn nàn, cùng lắm là bị trừ lương, rồi hôm sau lại đâu vào đấy. Công việc bạn vẫn nhận lương đều hàng tháng. Giả sử tệ nhất bạn bị đuổi việc thì bạn vẫn có thể tìm việc ở công ty, tổ chức khác để làm, không quá nghiêm trọng.

Còn với cô bán hủ tiếu, nếu sai trong công việc thì chỉ có bị khách hàng phàn nàn. Mà với nghề buôn bán thì khách hàng chính là “thượng đế”. Nếu mắc lỗi để mất lòng khách hang thì rất dễ bị đổ vỡ bởi không có khách hàng thì cô bán hủ tiếu không thể có thu nhập được.

Nói sơ qua về các vấn đề kể trên để bạn hiểu rằng việc cô bán hủ tiếu thu nhập cao hơn cử nhân Luật mới ra trường là điều dễ hiểu. Cử nhân Luật không cần phải chạnh lòng khi tự đặt mình dưới phép so sánh không cùng hệ quy chiếu như vậy.

2. Dưới góc nhìn của người ngoài

Ngoài phép so sánh từ những người trong cuộc, không ít người ngoài tự đặt ra phép so sanh này để coi thường những giá trị kiến thức của Cử nhân nói chung và Cử nhân Luật mới ra trường nói riêng. Họ cho rằng học nhiều nhưng thu nhập thua những người lao động phổ thông, không được học chuyên môn abc, xyz…

Đầu tiên cần phải làm rõ, việc khẳng định những người bán hủ tiếu nói riêng và những người lao động phổ thông, buôn bán khác là “không được học hành đầy đủ” là khẳng định rất phiến diện. Nếu như Cử nhân tốn 04 năm ở trường Đại học với rất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc… thì những người lao động phổ thông, buôn bán… cụ thể ở đây là cô bán hủ tiếu, cô cũng phải học rất nhiều, thậm chí học phí của cô có thể là nhiều hơn cả Cử nhân Luật. Cử nhân Luật đi học tốn thời gian, tốn tiền bạc một số tiền nhất định. Còn với cô bán hủ tiếu, để có được một xe bán hủ tiếu, cô phải đi học cách nấu một nồi nước sao cho ngon, cách mua các nguyên vật liệu đầu vào sao cho hợp lý, các thái thịt sao cho mỏng, cách làm tô hủ tiếu với số lượng bao nhiêu để bán với mức giá rẻ mà vẫn có lời, học cách đóa định thời tiết để chuẩn bị dù bạt cho khách ngồi ăn, thậm chí là học cách “chạy” khi bị các cơ quan chức năng xử lý vì lấn chiếm vỉa hè… Mỗi người khi bắt tay vào làm một công việc nào đó, ít nhiều cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để thực hiện nó cho tốt, cho hiệu quả để trực tiếp đem lại giá trị thặng dư cho xã hội, đem lại lợi ích cho bản thân. Cho nên việc “coi thường” giá trị tạo ra của những Cử nhân mới ra trường khi so sánh với cô bán hủ tiếu là sự kết luận mang tính thiển cận, không đầy đủ.

Tiếp theo, với phép so sánh thu nhập của cô bán hủ tiếu và Cử nhân Luật sau đó không coi trọng giá trị tri thức.

  • “Học đại học ra mà làm thua cô bán hủ tiếu”
  • “Học 4 năm ra đi làm mấy người lao động phổ thông”
  • “Học 4 năm ra đi làm thua chạy grab…”

Những năm gần đây khi các dịch vụ shipper, xe ôm công nghệ thịnh hành, những phép so sánh như trên xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Điều đó vô tình khiến cho quan điểm của xã hội về những giá trị tri thức có sự thay đổi. Đồng ý rằng công việc nào cũng đáng quý, cũng có giá trị cho xã hội miễn là nó tạo ra giá trị thặng dự một cách hợp pháp.

Tuy nhiên việc không coi trọng những công việc tri thức, lao động trí óc nhưng mức lương thấp (chưa cao) là quan điểm rất nguy hại.

Tỉ phú Warren Buffett từng nhận định: “Khoản đầu tư có lợi nhất chính là đầu tư vào bản thân”.

Quan điểm này nhận được sự tán đồng của nhiều người. Tri thức có giá trị bền vững, ngày hôm nay một Cử nhân Luật lương có thể chỉ là 5 triệu đồng/tháng, nhưng với sự cố gắng và kiên trì, Cử nhân Luật đó có thể trở thành một Luật sư với thu nhập có thể tăng lên gấp 10 thậm chí là 100 lần. Hoặc nếu không theo nghề thì với giá trị kiến thức nền tảng được đào tạo, một Cử nhân Luật đó có thể vận dụng để áp dụng vào cuộc sống để làm những công việc khác một cách thuận lợi hơn, gián tiếp đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người đó.

Cho nên việc nhìn vào thu nhập của hiện tại và đưa ra kết luận đánh giá thấp những giá trị tri thức là một phép so sánh và đưa ra kết luận không đầy đủ, không có cơ sở logic và không đúng phương pháp luận.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.759