Luật sư có được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả hai bên hay không?

(có 2 đánh giá)

Trước đây luật sư A có bảo vệ quyền lợi cho tôi, sau đó bên bị đơn cũng liên hệ với luật sư A về nhờ bảo vệ cho bị đơn và luật sư A đồng ý.  Tôi muốn hỏi Luật sư có được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả hai bên không? Tôi cho rằng một người không thể bảo vệ cho hai bên đối lập nhau được. Mong được giải đáp ạ. (Ngọc Hân - Bình Định)

Theo Luật luật sư 2006 thì luật sư là người thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu khách hàng. Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Với chức năng là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội do đòi hỏi Luật sư phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, trong đó có tiêu chuẩn về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.

Để cụ thể hóa tiêu chuẩn về đạo đức, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam gồm 32 quy tắc. Trong đó Quy tắc số 15 có quy định cụ thể như sau: “Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này.”

Như thế nào được xem là xung đột về lợi ích?

Theo Mục 15.1 Quy tắc 15 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì xung đột về lợi ích được giải thích như sau:

“15.1. Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.”

Trong một vụ tranh chấp thì nguyên đơn và bị đơn là hai bên có quyền lợi đối lập nhau nên việc một luật sư đồng ý bảo vệ cho cả nguyên đơn và bị đơn sẽ gây ảnh hưởng đến cả hai bên khách hàng vì có khả năng Luật sư không thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi họ.

Tại Mục 15.3 Quy tắc 15 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam có nêu rõ luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

“15.3.1. Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;

15.3.2. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện.

15.3.3. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ;

15.3.4. Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư;

15.3.5. Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên;

15.3.6. Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư;

15.3.7. Trường hợp luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6..”

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp Luật sư đều không được bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên. Theo Mục 15.4 Quy tắc 15 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam thì Luật sư vẫn có thể nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho các trường hợp nêu nêu tại Mục 15.3, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, trừ các trường hợp sau đây:

- Các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật;

- Các vụ án, vụ việc tố tụng, vụ việc khiếu nại hành chính, vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, hòa giải thương mại;

- Trường hợp tại Quy tắc 15.3.5.

Hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả hai bên nguyên đơn, bị đơn trong vụ án dân sự bị xử lý như thế nào?

Trường hợp chưa được khách hàng đồng ý bằng văn bản mà Luật sư tự ý nhận cung cấp dịch vụ cho bên có quyền lợi đối lập thì Luật sư sẽ bị phạt tiền tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 7, khoản 8 Điều 7 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Lưu ý: Mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đang áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt với cá nhân, tức tổ chức sẽ bị phạt  60.000.000 đồng đến 80.000.000 theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Trên đây là những nội dung tư vấn liên quan đến Luật sư có được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả hai bên hay không? Hi vọng những thông tin trên hữu ích đối với bạn.

(có 2 đánh giá)
Ngọc Hằng
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.116 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý