Nhân viên FPT Shop bị tố đánh cắp dữ liệu khách hàng khi gửi sửa máy

(có 1 đánh giá)

Mới đây trên nhóm về công nghệ chia sẻ thông tin về việc khách hàng tên Vinh Phùng có gửi sửa chữa máy Macbook tại FPT Shop. Nhưng thay vì sửa chữa, nhân viên của FPT Shop đã lén truy cập vào loạt ứng dụng mạng xã hội cá nhân của khách hàng để đánh cắp thông tin.

Theo đó mặc dù lúc đầu kỹ thuật viên khẳng định chỉ mở safari và vô tình Facebook tự hiển thị chứ không có ý lục lọi nhưng vì nghi ngờ nên chủ máy sau khi lấy lại máy mình có vào kiểm tra phát hiện ra kỹ thuật của FPT Shop này đã tự ý vào tìm kiếm thông tin và thậm chí tải về các dữ liệu nhạy cảm riêng tư trong đoạn chat của bạn Vinh Phùng trên Telegram vào lúc 9 giờ 15 phút và chia sẻ về một máy khác. Sau 1 hồi tranh luận, kỹ thuật viên thừa nhận đã lục lọi không chỉ Facebook mà cả Zalo, Telegram và đã chia sẻ dữ liệu về điện thoại cá nhân của mình, nhưng đã xoá ngay khi nạn nhân gọi điện.

Nhân viên FPT Shop bị tố đánh cắp dữ liệu khách hàng khi gửi sửa máy

Trước hết, về vấn đề nhân viên FPT shop tự ý truy cập vào loạt ứng dụng của khách hàng sau đó tải dữ liệu về máy cá nhân là trái với quy định của pháp luật. Vì đời tư và bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và bất khả xâm phạm. Đây là quyền nhân thân gắn liền với mỗi công dân.

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:

“ 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.”

Hành vi của nhân viên kỹ thuật FPT được xem là bi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Cụ thể: Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc cũng như mục đích mà nam nhân viên này tải các đoạn chat nhạy cảm riêng tư của nạn nhân về máy thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư cụ thể là : Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác được quy định tại điều 159 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là 3 năm tù giam.

Hiện tại phía FPT chưa lên tiếng cụ thể về vấn đề này và sự việc vẫn đang bùng nổ trên MXH hơn bao giờ hết. Nhiều người dùng lo ngại một nơi uy tín như FPT cũng xảy ra tình trạng đánh cắp dữ liệu khách hàng thì trong thời đại công nghệ số liệu thông tin của người dùng có được bảo mật tuyệt đối hay không và chẳng may họ cũng trở thành nạn nhân và các thông tin cá nhân bị truyền đưa trái phép thì giải quyết ra sao.

Tóm lại, đảm bảo quyền riêng tư là một trong những quy định thể hiện quyền con người của cá nhân. Người thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.443 
Việc làm mới nhất