04 dấu hiệu quan trọng để đánh giá công ty trong quá trình thử việc

Thử việc là giai đoạn mà ở đó hai bên sẽ đánh giá sự phù hợp lẫn nhau để đi đến quyết định cuối cùng, là ký kết hợp đồng lao động. Chính vì vậy, thời gian thử việc được xem là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng, giống như việc tìm hiểu, yêu nhau để đi đến quyết định kết hôn vậy.

Như đã đề cập, giai đoạn thử việc hai bên có thể đánh giá mức độ phù hợp với nhau trong công việc, trong văn hóa ứng xử và những vấn đề liên quan khác. Pháp luật không quá ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của hai bên trong giai đoạn thử việc chính là tạo điều kiện để công ty và người lao động có thể tự do tìm hiểu nhau hơn. Theo quy định hiện hành của Bộ luật lao động 2012, thời gian thử việc tối đa là 02 tháng. Đó là một quãng thời gian đủ dài để người lao động hiểu rằng đó có thật sự là nơi mà mình muốn cống hiến. Tuy nhiên không phải tự nhiên làm, sẽ biết, tiếp xúc là sẽ hiểu. Mà để hiểu được một công ty, một môi trường làm việc bạn phải có một chút “mẹo”, một chút sự lưu tâm.

Bạn có phải là “thợ đụng” hay không?

Bất kì công việc nào, ở bất kì tổ chức có quy củ nào đều có sự phân công công việc rõ ràng. Ví dụ như tuyển người làm vườn thì cần làm những việc gì, tuyển tạp vụ thì cần dọn dẹp như thế nào. Hay những công việc yêu cầu chuyên môn cao hơn như tuyển một “designer” thì không thể bắt họ đi nhập liệu văn bản, tuyển một phiên dịch không phải để đi bán hàng…

Đương nhiên trong công việc, việc hỗ trợ nhau là điều cần làm. Một phiên dịch có thể phụ giúp bộ phận văn thư scan tài liệu, lưu trữ hồ sơ. Một nhân viên hành chính có thể giúp tạp vụ việc trà nước văn phòng… Nhưng cường độ công việc như thế nào mới là điều quan trọng bạn cần đánh giá. Bất kì một ai khi đi làm đều có điểm mạnh riêng của mình, và thường điểm mạnh đó cũng là sở thích làm việc của chính họ. Việc yêu cầu một người mất quá nhiều thời gian để làm việc ngoài chuyên môn trước tiên là sẽ dẫn đến hiệu quả công việc đi xuống, sau đó là ảnh hưởng tới nhiệt huyết làm việc của nhân viên đó bị nguội lạnh. Một công ty mà không có yêu cầu công việc rõ rang, yêu cầu nhân viên quá đa nhiệm thì thường không phải là một tổ chức chuyên nghiệp. Đây là điểm mà bạn cầu lưu ý trong quá trình thử việc.

Công ty có nói xấu nhân viên cũ hay không?

Quan hệ lao động có một vài điểm tương tự như tình yêu nam nữ. Có một nguyên tắc bất di bất dịch là “chia tay không nói xấu người cũ”, vì họ là người mà ta từng yêu quý, hòa hợp và gắn bó.

Trong công việc sẽ có lúc thăng, lúc trầm. Sẽ có lúc nhân viên làm tốt và cũng có lúc không. Có lúc mắc lỗi, có lúc sai lầm… Nhưng suy cho cùng dù đã “chia” tay nhau với bất kì lý do gì, thậm chí là lý thì cũng không nên nói xấu hoặc tìm cách “đì” nhân viên cũ xuống. Điều đó chỉ thể hiện tâm lý ích kỷ, hẹp hòi.

Trong quá trình phỏng vấn cũng như 02 tháng thử việc bạn sẽ nhận biết được việc này qua công việc thường ngày, qua giao tiếp với đồng nghiệp và qua việc tương tác với sếp.

Trả lương có giống như phỏng vấn thỏa thuận không?

Có nhiều trường hợp khi tuyển dụng, nhà tuyển dụng ghi mức lương rõ ràng, lúc phỏng vấn tuyển dụng cũng thỏa thuận lương rất minh bạch nhưng đến khi làm việc thực tế thì cơ chế lương lại không như thỏa thuận. Một số biểu hiện như là không có ngày trả lương cố định, giam lương nhân viên, trễ lương nhân viên…

Đi làm thì ai cũng mong muốn nhận được lương xứng đáng, đúng và đủ theo thỏa thuận. Việc tiền bạc phân minh giúp cho tinh thần công việc của chính nhân viên được thoải mái. Một công ty nếu có cơ chế lương không rõ ràng cũng là một điểm mà bạn cần lưu ý trong quá trình thử việc để cân nhắc, lựa chọn có nên gắn bó hay không.

Có điều chuyển công việc khác với phỏng vấn không?

Trong thực tế có nhiều công ty tuyển dụng không rõ ràng. Đăng tin tuyển dụng ở vị trí A, nhưng khi phỏng vấn lại phỏng vấn và trao đổi về vị trí B. Hay thậm chí khi vào làm thì đề nghị làm ở một vị trí C hoàn toàn xa lạ.

Điều này cho thấy tình trạng tuyển dụng của công ty có những bất ổn, ở đó buộc họ phải dùng những cách “fake” tin tuyển dụng để thu được hồ sơ của ứng viên, sau đó tuyển vào được rồi thì tìm cách điểu chuyển cho phù hợp với nhu cầu nhân sự.

Mà như mình cũng đề cập, ai đi làm cũng có điểm mạnh riêng của mình, sắp xếp một công việc hoàn toàn mới lạ so với năng lực bản thân là điều gây cản trở cho cả công ty và cho người lao động. Và đó là điều bạn nên cân nhắc trong quá trình thử việc.

 

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.306 
Việc làm mới nhất