Có phải HR thích nghe những lời nói dối hơn nói thật?

Đương nhiên đó không phải là những hoài nghi mang tính quy chụp, đó là sự hoài nghi được rút ra sau nhiều đợt đi phỏng vấn tuyển dụng, nhiều lần tiếp xúc với những người làm HR. Không phải tất cả đều thích nghe những lời nói dối, những câu trả lời mang tính văn mẫu và sáo rỗng, thích nghe những lời hoa mỹ hơn là những câu trả lời thẳng thắn… nhưng phần đông là như vậy.

Ngày mới ra trường, tôi phỏng vấn ở một Công ty Luật ở Quận 5, TP.HCM. Anh Luật sư hỏi tôi:

“Vì sao em học Luật”

Bằng tất cả những gì chân thực nhất, tôi trả lời “Vì em trượt nguyện vọng 1 ngành báo chí nên em không biết chọn gì nên chọn “đại” ngành Luật”.

Và ngay sau đó, anh mới giảng giải cho một rất nhiều, nào là không có định hướng mục tiêu thì khó mà học tốt được, không có tìm hiểu, đam mê thì khó theo nghề được… và khi đó tôi bị đánh trượt. Thật may, ngay sau đó tôi đã tìm được một công việc phù hợp, với mức lương khá ổn đủ để tôi trang trải cuộc sống và học tập. Và đương nhiên, tôi cũng mang đến buổi phỏng vấn những gì chân thật nhất mà tôi có.

Sau 2 năm, một lần nữa tôi đi tìm việc. Có một lần tôi đi phỏng vấn ở một Công ty nông nghiệp nọ, vị trí ứng tuyển là nhân viên pháp chế. Sau màn chào hỏi, giới thiệu ban đầu. Chị HR mới đặt ra cho tôi những câu hỏi để tôi trả lời. Trong đó có 02 câu hỏi mà tôi cảm thấy “phổ thông” nhất, đó là:

“Vì sao em nghỉ việc ở công ty cũ”

“Mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của em là gì”

Với hai câu hỏi như trên, tôi lần lượt trả lời như sau:

“Công ty cũ có mức đãi ngộ tốt, sếp giỏi và có tầm nhìn. Tuy nhiên đồng nghiệp ở đó thì không thân thiện, bất hợp tác và có thói đố kị nên em xin nghỉ”

“Em không chia cuộc đời em thành những mốc thời gian, em cũng không hoạch định được một tương lai quá xa cho cuộc đời mình. Giống như 6 năm trước, em chưa bao giờ nghĩ mình học trường Luật, tuy nhiên giờ đây em ngồi đây và ứng tuyển vào vị trí pháp chế với một tấm bằng Cử nhân Luật loại khá. Cho nên hiện tại em chỉ có một vài mục tiêu ngắn hạn, như hoàn thành khóa đào tạo lớp Luật sư, cuối năm đủ tiền mua cho ba cái tivi mới”.

Trên là hai câu trả lời hết sức thật lòng dựa trên những gì có thật xảy ra trong cuộc sống của tôi, tuy nhiên phản ứng của chị HR có vẻ không được hài lòng cho lắm và có những đối đáp mang tính định hướng theo khuôn khổ. Và đương nhiên, với cương vị là một HR, chị chỉ phỏng vấn tôi một cách khái quát chứ không đi sâu vào chuyên môn nghề nghiệp, và một sự hụt hẫng nhẹ sau đó khi tôi không nhận được bất cứ một phản hồi nào về việc tôi có được phỏng vấn tiếp về chuyên môn hay không, tôi bị đánh trượt.

Có nhiều lý do để một ứng viên bị đánh trượt khi tuyển dụng, nhưng thật đáng tiếc nếu lý do đó là vì những câu trả lời hơi “khó nghe” nhưng thật lòng. Sẽ không có ai nhảy việc nếu như điều kiện làm việc lý tưởng, lương cao, sếp tốt, đồng nghiệp tốt. Không phải ai học Luật cũng nghiên cứu, định hướng từ khi ngồi trên ghế nhà trường…

Sẽ lọt tai hơn nếu với những câu hỏi trên, tôi trả lời:

“Em nghĩ việc ở công ty cũ vì em đã cống hiến và phấn đấu đủ nhiều và cảm thấy “kịch trần” và không phát triển thêm được. Em ra đi để tạo cơ hội cho các bạn khác và chính em cũng tìm cơ hội tốt hơn cho mình”

“Mục tiêu ngắn hạn của em là có chứng chỉ hoàn thành lớp đào tạo nghề Luật sư trong 1 năm tới, học lên Thạc sỹ Luật trong 3 năm tới, phấn đấu làm việc ở công ty để được đề bạt vào cấp độ quản lý trong vòng 3 – 4 năm…”

“Em học Luật vì ước mơ bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ công bằng, bảo vệ người yếu thế trong xã hội”.

Trên là những câu trả lời mang tính “văn mẫu”, mà đã là mẫu thì sẽ rất “lọt tai”, đã là mẫu có nghĩa ai cũng học được, ai cũng trả lời được. Vậy thì lấy ở đâu ra tính sàn lọc để nhà tuyển dụng có thể lựa chọn? Bản chất một cuộc tuyển dụng cũng giống như giai đoạn hẹn hò, tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân. Ở đó hai bên tìm hiểu nhau, nếu thật sự phù hợp vì về “sống thử” bằng 02 tháng thử việc, sống thử thấy hợp thì sẽ tiến tới “hôn nhân” bằng Hợp đồng lao động.

Chính vì vậy, việc tìm hiểu nhau, việc chân thành trong giai đoạn hẹn hò đóng vai trò rất quan trọng. Nếu một trong hai bên cố tình giấu mình trong những vỏ bọc mĩ miều của sự thanh cao, liêm khiết mà bỏ qua những gì là bản chất thật nhất thì khi “đến với nhau” chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ và thất vọng. Trong tình yêu, khi vỡ lẽ và nhận ra những thói xấu của đối phương, người còn lại sẽ lặp đi lặp lại câu nói “Biết thế ngày xưa…” “Biết thế ngày xưa….”… Và trong tuyển dụng cũng vậy, khi thử việc mới nhận ra ứng viên trả lời phỏng vấn rất hay nhưng khi bắt tay vào công việc thì có quá nhiều thiếu sót, có quá nhiều những điều không đúng sự thật, khi đó thiệt hại phần lớn thuộc về công ty khi đã mất chi phí tuyển dụng, sẽ tốn them chi phí đào tạo và hướng dẫn mà chưa chắn người được nhận là người phù hợp, nhu cầu tuyển người để thục hiện công việc không được đáp ứng, ảnh hưởng tiến độ sản xuất, kinh doanh của công ty.

Sự thật lòng của ứng viên là một điều đáng trân quý, dựa trên sự thật lòng đó nhà tuyển dụng mới dễ dàng đánh giá được mức độ phù hợp. Với cương vị của một HR, có lẽ nên dành phần lớn sự đầu tư để đánh giá rằng câu trả lời của úng viên có thật lòng hay không sẽ phù hợp và hiệu quả hơn so với việc tập trung vào đánh giá, nhận xét hay thậm chí là phán xét những lời thật lòng đó.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.570