Dùng nhục hình là gì? Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể không bị dùng nhục hình đúng không?

(có 2 đánh giá)

Dùng nhục hình là gì? Và có phải mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể không bị dùng nhục hình đúng không? Tội dùng nhục hình quy định thế nào? (Ngọc Trinh - Bến Tre)

Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể không bị dùng nhục hình đúng không?

Theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 có nêu:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.”

Theo đó, pháp luật công nhận và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của mọi người trong đó bao gồm việc không bị dùng nhục hình.

Tội dùng nhục hình được quy định theo pháp luật như thế nào? (Hình từ internet)

Dùng nhục hình là gì? Tội dùng nhục hình theo quy định pháp luật thế nào?

Hiện không có quy định nào định nghĩa rõ thế nào là dùng nhục hình, dùng nhục hình có thể được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tác động lên thể xác của người bị buộc tội, khiến họ bị đau đớn, tổn hại về sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm.

Tội dùng nhục hình được quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015:

Tội dùng nhục hình

1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

đ) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm người bị nhục hình tự sát.

4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Hành vi dùng nhục hình (do người thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng…) với người khác là phạm tội, và tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt được quy định tại Điều 373 này.

Người phạm tội dùng nhục hình là người bị bệnh nặng thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù không?

Căn cứ Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù như sau:

Hoãn chấp hành hình phạt tù

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

Như vậy, người phạm tội dùng nhục hình là người bị bệnh nặng thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Tuy nhiên, trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định.

(có 2 đánh giá)
Trần Thị Tuyết Vân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.198