Giới trẻ ngày nay “giàu” lạ thường

Nói về hai chữ sinh viên là nhắc đến cái nghèo với hình ảnh chiếc xe đạp cùng cây đàn ghitar hay là cày mì tôm miệt mài mỗi tháng nhưng dường như khái niệm sinh viên nghèo đã lỗi thời từ bao giờ. Sinh viên ngày nay không những không còn ăn mì tôm mà còn sang chảnh xịn sò hơn bao giờ hết.

Đồng ý là xã hội phát triển đồng nghĩa với đời sống phát triển nhưng dân Việt Nam không phải ai cũng giàu. Bước ra đường nhất là các thành phố lớn chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những bạn sinh viên đi xe xịn, sài đồ sang, hàng hiệu đập hộp thả ga, checkin sang chảnh những nơi hút mắt nhất và sống ảo trên mạng xã hội. Vậy số tiền đó từ đâu ra? Bỏ qua một bộ phận nhà có điều kiện gia đình chu cấp đầy đủ thì vẫn không ít thành phần vì đua đòi mà bất chất tất cả.

Một chiếc điện thoại đời mới với nhiều tính năng tiện ích luôn là thứ hấp dẫn nhất đối với các bạn trẻ ngày nay thế nhưng với giá thành không hợp túi tiền học sinh, sinh viên thì nó luôn là ước mơ của rất nhiều người. Được sở hữu một chiếc điện thoại mới để khoe với bạn bè thì thích biết mấy nhỉ? Cũng vì tư tưởng sợ thua người khác nên có không ít bạn đã bất chấp rất nhiều chiêu trò để được bố mẹ mua điện thoại như không ăn cơm, đòi đánh bố mẹ, bỏ nhà đi bụi và thậm chí là đòi tự tử… Mặc cho nhận bao nhiêu sự chỉ trích của dư luận thì một số bạn trẻ vẫn vô tư bỏ ngoài tai và tiếp tục làm khổ bố mẹ.

Chỉ vì muốn thể hiện “đẳng cấp” với bạn bè mà nhiều bạn đã không suy nghĩ gì đến điều kiện kinh tế gia đình cứ thế đòi hỏi bố mẹ phải chiều theo ý nguyện của mình. Thế nhưng liệu niềm vui được thỏa mãn trên sự khổ cực của bố mẹ liệu có xứng đáng không. Họ đã vì bạn làm đủ mọi công việc trên đời và nhịn ăn nhịn mặc để nuôi nấng bạn từng ngày. Bố mẹ lam lũ cả cuộc đời chỉ vì muốn cho bạn một cuộc sống ấm no, kể cả khi không nhận lại sự yêu thương từ bạn thì họ vẫn không thay lòng mà hy sinh tất cả vì bạn. Được mua một chiếc điện thoại đắt tiền mà khiến bố mẹ chịu khổ thì đó không được gọi là đẳng cấp.

Bạn có thể dùng số tiền ít ỏi hằng thằng bố mẹ lam lũ gửi lên để “quẩy” một bữa trong bar rồi hôm sau lại gọi về xin với muôn vàn lý do: con học anh văn, đóng tiền quỹ đoàn, tiền mua sách,… có thể lúc này bạn nghĩ ra cách làm sao để chống chọi đến cuối tháng nhưng có bao giờ tự nghĩ tiền đó bố mẹ phải xoay sở như thế nào?

Đừng chỉ biết đến bản thân mà không suy nghĩ cho gia đình, hãy thôi làm khổ bố mẹ và phấn đấu vì tương lai đi. Bố mẹ khó khăn thế nào cũng không để bạn phải chịu khổ thế nên hãy nhìn vào đó mà thấu hiểu cho họ.

Có nhiều bạn trẻ rất lạ lùng nếu bố mẹ không đáp ứng cho mình điều gì là lại dọa con sẽ bỏ học, rồi hỏi tại sao người ta có mà con không có. Bạn có thể đặt 1000 câu hỏi tại sao nhưng bố mẹ sẽ chỉ nghĩ 1 câu hỏi hỏi ngược lại bạn:“Tại sao con không hiểu cho bố mẹ.”

Những sự hào nhoáng bên ngoài, những giả tạo bóng bẩy lời khen rỗng tuếch từ nhóm bạn nhà giàu không giúp gia đình bạn khá lên cũng không khiến nhân cách bạn sang chảnh như những gì bạn đã thể hiện. Nhà mình có thể nghèo, bố mẹ có thể lam lũ nhưng ít ra họ không để bạn thiếu thốn thứ gì căn bản so với bạn bè đồng trang lứa.

Muốn giàu thì tự đứng trên đôi chân của mình tạo ra thành quả làm giàu. Đừng thể hiện khi bố mẹ còn nghèo. Đừng “giàu” khi gia đình còn vất vả.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.981