Hiểu đúng về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, có phải phạm tội giết người 20 năm không bị bắt là thoát tội?

Trong lịch sử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam, có không ít trường hợp cơ quan CSĐT phải ra quyết định dừng điều tra vì quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy cần phải hiểu như thế nào về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hiểu như thế nào về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?

Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 1 Điều này quy định:

“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Có phải bỏ trốn quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thoát tội hay không?

Từ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã trích dẫn ở trên trên, sẽ có người đặt ra câu hỏi, liệu có phải bỏ trốn quá thời hiệu sẽ thoát tội hay không?

Câu trả lời là không. Bộ luật Hình sự đã loại trừ những trường hợp phạm tội rồi bỏ trốn nhằm trốn trách trách nhiệm hình sự.

Cụ thể tại Khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định :

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

tham-an-ha-tinh-can-nha-8006-1436868579.

Hiện trường vụ án cách  đây 24 năm vẫn chưa tìm ra manh mối

Như vậy, việc người thực hiện hành vi phạm tội, mà thực hiện hành vi trốn tránh, đã có quyết định truy nã bị can thì thời hiệu sẽ được tính lại khi người đó bị bắt hoặc ra đầu thú. Hoặc nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới mà khung hình phạt của tội đó cao hơn 01 năm tù thì thời hiệu sẽ được tính lại từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới.

Như vậy, như thế nào mới được xem là “thoát tội”?

Như đã đề cập ở đầu bài, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, trường hợp cơ quan điều tra phải dừng điều tra vì quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn xảy ra.

Trường hợp đó chỉ xảy ra khi và chỉ khi, người thực hiện hành vi phạm tội hoặc quá tinh vi và không để lại dấu vết tội phạm. Khiến cho cơ quan cảnh sát điểu tra không lấy được manh mối, không có căn cứ để khởi tố bị can, qua đó tiến hành truy nã bị can. Đồng thời, trong thời hạn đó, người thực hiện hành vi phạm tội không được thực hiện việc bỏ trốn. Hiểu một cách đơn giản, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ thoát tội khi trong thời hạn người đó vẫn “nhởn nhơ” sống cuộc sống bình thường và các cơ quan tố tụng không tìm ra chứng cứ để truy cứu cho đến khi hết thời hiệu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.451