Người lao động được tạm ứng tiền lương tối đa bao nhiêu trong dịp Tết Âm lịch?

(có 2 đánh giá)

Tôi muốn hỏi sắp đến Tết Âm lịch 2023 người lao động có thể được tạm ứng tiền lương tối đa là bao nhiêu? Được nghỉ Tết Âm lịch bao nhiêu ngày? (Thanh Nga - Bình Dương)

Người lao động có thể được tạm ứng tiền lương tối đa là bao nhiêu trong dịp Tết Âm lịch?

Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Tiền lương

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”

Căn cứ tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, quy định về tạm ứng tiền lương như sau:

“Tạm ứng tiền lương

1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.”

Luật quy định một số trường hợp người lao động được quyền tạm ứng tiền lương cũng như buộc người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương như các trường hợp quy định trên.

Thông thường người lao động muốn tạm ứng tiền lương thì sẽ do thỏa thuận giữa bên, luật không quy định, cho nên người lao động có thể được tạm ứng tiền lương tối đa là bao nhiêu trong dịp Tết Âm lịch là do hai bên thỏa thuận.

Người lao động được tạm ứng tiền lương tối đa bao nhiêu vào dịp Tết âm lịch? (Hình từ internet)

Người lao động được nghỉ Tết Âm lịch bao nhiêu ngày?

Căn cứ quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.”

Theo quy định của pháp luật lao động thì hằng năm, người lao động được nghỉ Tết Âm lịch là 05 ngày.

Tết Âm lịch người lao động bị tạm đình chỉ công việc có được tạm ứng tiền lương không?

Theo quy định Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.”

Như vậy, trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không cần phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

Xem thêm: Tiền thưởng Tết có phải nộp thuế thu nhập cá nhân

(có 2 đánh giá)
Nguyễn Anh Hương Thảo
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.319