Người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty có bị xử phạt không?

(có 2 đánh giá)

Hiện nay, làm việc được bao nhiêu ngày thì người lao động được đóng bảo hiểm xã hội? Người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty có bị xử phạt không? Câu hỏi đến từ anh Thanh Phú ở Long An.

Làm việc được bao nhiêu ngày thì người lao động được đóng bảo hiểm xã hội?

Căn cứ theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

...

3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”

Theo đó, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

Như vậy, nếu không thuộc trường hợp này thì tháng đó người lao động vẫn được đóng bảo hiểm xã hội.

Lưu ý: Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty có bị xử phạt không?

Người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty có bị xử phạt không? (Hình từ Internet)

Người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty có bị xử phạt không?

Căn cứ khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty như sau:

Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

...”

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Theo đó, người lao động thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với công ty sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Công ty đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức quy định cho người lao động thì bị xử phạt như thế nào? Có truy thu hay không?

Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

 ...

 5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;

d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

 ...

10. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.”

Như vậy, công ty đóng không đủ số tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên, cụ thể sẽ xử phạt như sau:

- Phạt tiền: Từ 12% đến 15% tối đa không quá 75 triệu đồng đối với số tiền đóng thiếu.

- Truy thu số tiền bảo hiểm xã hội đóng thiếu.

- Phạt khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền đóng thiếu.

(có 2 đánh giá)
Nguyễn Anh Hương Thảo
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.258 
Việc làm mới nhất