Những quyển sách hay về ngành luật mà sinh viên luật cần biết

(có 1 đánh giá)

Xin cho tôi biết những quyển sách hay về ngành luật mà sinh viên luật cần biết? - Thành Thái (Bình Phước)

Những quyển sách hay về ngành luật mà sinh viên luật cần biết

Những quyển sách hay về ngành luật mà sinh viên luật cần biết (Hình từ internet)

Đọc sách là một cách hiệu quả để sinh viên luật học tập và nâng cao kiến thức chuyên môn. Sinh viên luật nên chọn đọc những cuốn sách phù hợp với trình độ và sở thích của mình.

1. Những quyển sách hay về ngành luật mà sinh viên luật cần biết

(1) Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam

Là một nghiên cứu độc lập về quá trình hình thành và phát triển nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến hiện nay. Tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, hai luật sư có kinh nghiệm, cùng nhau biên soạn, sử dụng các nguồn tài liệu khả tín để tạo ra một quyển sách hữu ích cho nhà nghiên cứu, sinh viên và luật sư.

(2) Giáo trình luật sư và nghề luật sư

Là tài liệu chính thức của Môn học Luật sư và nghề luật sư, trong chương trình đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư Pháp. Được thiết kế theo Chương Trình khung đào tạo nghề Luật sư do Bộ Tư Pháp ban hành, giáo trình này cung cấp kiến thức về nghề luật sư, kỹ năng chung và chuẩn mực đạo đức cần thiết.

(3) Bộ sổ tay luật sư

Gồm 3 tập, bộ sách này được biên soạn bởi Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngoài các lý thuyết chung, sách tập trung vào trình bày các kỹ năng hành nghề, từ tư vấn đến tố tụng, đặc biệt là trong các lĩnh vực tư vấn kinh doanh và đầu tư.

(4) Tư duy pháp lý của luật sư

Là phiên bản mới của quyển "Tài Ba của Luật Sư", tập trung vào việc giới thiệu và phát triển tư duy pháp lý cho các luật sư mới vào nghề. Bao gồm các phần giới thiệu về tư duy pháp lý, cách thực hiện, và các vụ án để học tập và luyện tập.

(5) Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư

Sách này của Tác giả Nguyễn Hữu Phước, một luật sư có kinh nghiệm, cung cấp thông tin và kinh nghiệm về khởi nghiệp trong lĩnh vực luật sư. Được biên soạn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của tác giả trong hơn hai mươi năm hành nghề.

(6) Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long

Sách này kể lại hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long, đồng thời phản ánh bức tranh tư pháp hiện nay ở Việt Nam. Được biên soạn để giúp hiểu biết về các vụ án hình sự và công việc của luật sư bào chữa.

(7) Pháp lý M & A

Cung cấp kiến thức cơ bản về pháp lý M&A, từ lý luận đến thực tiễn, nhằm giúp sinh viên luật, luật sư tập sự và doanh nhân hiểu rõ hơn về giao dịch M&A và vai trò của luật sư trong quá trình này.

(8) Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn

Dành cho các luật sư trẻ, sách này giúp đào luyện các kỹ năng cơ bản để thành công trong môi trường công ty luật chuyên nghiệp, đồng thời cung cấp kiến thức hữu ích cho sinh viên luật và giảng viên.

(9) Kỹ năng hoạt động dành cho luật sư trong vụ án hình sự

Cuốn sách cung cấp các kỹ năng tranh tụng cơ bản trong vụ án hình sự, từ trao đổi với khách hàng đến tham gia phiên tòa, dành cho luật sư, sinh viên luật và các thẩm phán.

(10) Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam thực trạng và định hướng phát triển

Là một tài liệu lý luận và thực tiễn về tình hình và định hướng phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam. Bao gồm các phân tích về thị trường dịch vụ pháp lý, vấn đề pháp lý thường gặp, và giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ.

2. Những Bộ luật quan trọng mà sinh viên luật cần nắm

Dưới đây là 03 Bộ luật quan trọng mà sinh viên luật cần nắm:

(1) Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

(2) Bộ luật Hình sự 2015

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.

(3) Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

(có 1 đánh giá)
Hồ Quốc Tuấn
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.245