Điều kiện đốt pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023

Tết này tôi muốn mua pháo hoa về nhà đốt thì cần đáp ứng những điều kiện gì? (Hà Phương - Bình Dương)

1. Pháo hoa là gì?

Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP)

2. Nguyên tắc sử dụng pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023

Nguyên tắc sử dụng pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023 bao gồm:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.

- Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.

- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.

- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.

- Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.

(Điều 4 Nghị định 137/2020/NĐ-CP)

Điều kiện đốt pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023 (Hình từ internet)

3. Điều kiện đốt pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023

Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa như sau:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Hiện nay, chỉ Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa. Do đó, người dân nên lựa chọn các cửa hàng bán pháo hoa của nhà máy Z121 để mua pháo hoa.

4. Đốt pháo hoa sai quy định bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo trái phép.

Như vậy, đốt pháo hoa trái quy định dịp Tết Nguyên đán 2023 có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu sử dụng một lượng lớn pháo hoa trái phép thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 305Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)

Diễm My
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.248