Kinh nghiệm chưa nhiều vẫn có thể “tán đổ” nhà tuyển dụng

“Kinh nghiệm làm việc” là yêu cầu khác ám ảnh đối với những bạn sinh viên mới ra trường hay những bạn chuyển hướng công việc muốn làm trái ngành. Kinh nghiệm càng dày dặn thì tỉ lệ trúng tuyển việc làm càng cao. Nhưng bạn đừng vội lo, bài viết dưới đây sẽ gửi bạn một vài lưu ý nhỏ có thể giúp bạn “tán đổ” nhà tuyển dụng ngay cả khi kinh nghiệm chưa nhiều.

Kinh nghiệm làm việc quan trọng như thế nào trong CV và quá trình tuyển dụng

Kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ là 03 yếu tố giúp một nhân viên có thể phát triển trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Chưa kể, nếu muốn nhảy việc, chuyển việc thì kinh nghiệm cũng chính là căn cứ để nhà tuyển dụng xem xét cân nhắc ứng viên cho vị trí phù hợp. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn tuyển dụng một nhân viên đã có “kiến thức nền”, kinh nghiệm từng làm việc trong các ngành nghề liên quan. Điều này sẽ giúp ích trong quá trình thử việc cũng như người có kinh nghiệm sẽ nắm bắt công việc khá nhanh, tư duy tốt, nhanh nhạy vì thế mạnh là đã từng làm việc ở vị trí tương đương. Tóm lại, một ứng viên kinh nghiệm dày dặn sẽ dễ được nhà tuyển dụng chú ý hơn là một “trang giấy trắng.”

Ứng viên không có kinh nghiệm sẽ không kiếm được việc làm?

Như đã nói ở trước ngoài kinh nghiệm thì kỹ năng và thái độ cũng là yếu tố cần thiết để nhà tuyển dụng đánh giá một ứng viên xem xét có phù hợp với vị trí họ đang tuyển dụng hay không nên bạn không cần quá lo ngại. Nếu thiếu kinh nghiệm thì hãy dùng kỹ năng, thái độ để bù đắp khoảng trống đó. Thực tế cho thấy không phải ứng viên nào cũng đáp ứng được hết các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bạn sẽ thường thấy các trang tin đăng tuyển nhân viên với yêu cầu: “Kinh nghiệm ít nhất 01-02 làm việc ở các lĩnh vực tương đương.” Nhưng có khá nhiều ứng viên không đủ kinh nghiệm vẫn nộp đơn vào vị trí đơn giản đó là công việc yêu thích, vị trí, phúc lợi công việc tốt.

Có câu chuyện nhỏ rằng, có một ứng viên đã ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Content yêu cầu 01 năm kinh nghiệm nhưng bạn ấy không đáp ứng đủ. Nhà tuyển dụng đã hỏi rằng: Tại sao không đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm của công ty em vẫn nộp đơn ứng tuyển?” Bạn mạch lạc trả lời: “Đơn giản đây là công việc mà em mong muốn được đảm nhận. Nếu có bị đánh rớt thì em cũng biết được khả năng mình ở đâu và rèn luyện thêm. Mặc dù không đủ kinh nghiệm nhưng nếu thấy một job tốt, khá phù hợp với khả năng của bản thân mà em không ứng tuyển thì ngoài không có kinh nghiệm em còn không có bản lĩnh.” Dĩ nhiên nhờ kỹ năng cũng như thái độ cầu thị bạn ứng viên ấy đã được nhận và hiện đang làm rất tốt công việc được giao tại công ty trên.

Thẳng thắn, thật thà cũng là cách giúp nhà tuyển dụng chú ý đến mình

Một trong những mẹo nhỏ đi phỏng vấn đó là hãy luôn thẳng thắn và thật thà trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Bởi vì các câu hỏi thường liên kết với nhau tính cách thật thà sẽ giúp bạn ghi điểm tuyệt đối. Chắc chắn ai cũng muốn tuyển dụng một người tin cậy chứ không phải là một người lươn lẹo vào công ty.

Thực tế và dám thể hiện cái tôi của bản thân

Không phải những người dày dặn kinh nghiệm sẽ luôn trả lời khôn ngoan bởi vì có quá nhiều kinh nghiệm nên quá trình đối đáp của họ thường sẽ bị rập khuôn và không có tính mới mẻ. Bởi vậy mới nói khi gặp một câu hỏi dạng như: Hãy vạch ra lộ trình 05 năm nữa của bản thân khi làm việc tại công ty. Người nhiều kinh nghiệm họ sẽ trả lời: Tôi sẽ cống hiến cho công ty, cố gắng 02 năm thăng chức, 03 năm đạt thành tựu,…” Nhưng những người thật thà thường sẽ trả lời dạng như: “05 năm là chuyện của tương lai là tôi là sẽ luôn cố gắng ở hiện tại để có thể tạo ra giá trị trong tương lai. Khi được nhận vào việc trước hết tôi sẽ cố gắng học việc bắt kịp tiến độ với mọi người trong công ty, sẽ vận dụng mọi kỹ năng ưu điểm tốt để phục vụ công việc và khắc phục khuyết điểm. Nếu trong tương lai tôi thật sự được trọng dụng thì việc gắn bó thăng tiến trong công ty là điều dĩ nhiên. Lúc này tôi tin là bản thân mình tạo ra được nhiều giá trị hơn giúp quý công ty phát triển.” Nói đến đây thì bạn cũng có thể tự nhận xét nhà tuyển dụng sẽ hài lòng với câu trả lời nào hơn rồi đúng chứ?

Trên đây là những câu chuyện thực tế khi đi phỏng vấn của các ứng viên dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn chinh phục được các nhà tuyển dụng. Bạn hoàn toàn có thể tự tin vào bản thân và trau dồi những kỹ năng còn thiếu để có thể trúng tuyển được vị trí công việc mơ ước.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.677 
Việc làm mới nhất