“Trượt đại học” và câu chuyện của những người từng trải qua cảm giác đó

(có 10 đánh giá)

Tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các trường đại học đều công bố điểm chuẩn đầu vào. Có những niềm vui vỡ òa ngày nhận tin báo trúng truyển trường đại học mong muốn nhưng bên cạnh đó cũng là nỗi thất vọng khi biết mình đã phụ lòng bố mẹ. “Hôm nay, mình trượt đại học.”

Đại học luôn là đích đến của các bạn học sinh THPT đỗ đại học được xem là chuyện vẻ vang nhất, bước đầu thành công trong tổng quá trình 12 năm ăn học. Nhưng ngày biết kết quả cũng là ngày em họ tôi khóc nhiều nhất. Qua điện thoại tôi cũng cảm nhận rõ tiếng nức nở của em: “ Chị ơi, em trượt đại học rồi. Bố mẹ chẳng nói với em lời nào. Em thấy bản thân rất tệ, phải làm sao đây?”

Em đã trượt nguyện vọng 1 ngôi trường mà bố mẹ em mong muốn, còn đó có phải là ước mơ của em không thì tôi không chắc. Thời gian tới chắc em phải áp lực rất nhiều từ việc tự trách mắng bản thân, cái lắc đầu ngao ngán của bố mẹ hay lời khoe khoang, xì xầm bàn tán của các cô hàng xóm về nhân vật nào đó có họ lực tốt hơn em. Tôi chẳng biết khuyên em thế nào vì bây giờ tâm trạng em đang không ổn nhưng thật ra vấn đề trượt đại học chẳng có gì to tát cả. Tôi đã gửi cho em vài lời khuyên tâm đắc từ những bạn cũng trượt đại học nhưng các nhìn đời hay xử lý của họ không tiêu cực chút nào và hi vọng tâm trạng em ổn hơn để bước tiếp con đường phía trước.

Sau khi chia sẻ đoạn tin an ủi em gái mới rớt đại học tôi nhận được rất nhiều đồng cảm và có nhiều lời chia sẻ chân thành nhất được gửi đến.

Bạn Ming Ngọc đã bình luận: “Mình cũng đã từng rớt đại học nguyện vọng 1 và mình nghĩ như thế này: không đỗ trường này ta cũng có thể học trường khác nhiều trường bây giờ cũng xét theo hình thức xét học bạ mà. Chủ yếu là ta phải chấp nhận sự thật và mạnh mẽ biết đâu ở môi trường khác chúng ta lại tìm được những niềm vui khác tốt hơn thì sao?”

Bạn Hoàng T Oanh với những lời chia sẻ thật lòng: “Ngày sinh nhật 18 tuổi, em cũng biết mình trượt nguyện vọng 1, em đã vô cùng buồn bã và đau khổ. Em nghĩ rằng nếu mình không đỗ trường đó thì mình sẽ từ bỏ đại học. Gia đình em cũng tạo áp lực rất lớn, mọi chuyện cứ thế ngày một khó khăn. Nhưng sau những giây phút đầm đìa nước mắt, em đã quyết định bước tiếp, dù đó là trường nào đi chăng nữa, em cũng sẽ cống hiến hết mình cho 4 năm ấy. Và rồi sau khi trải qua năm nhất đại học, em nhận ra rằng, cảm xúc ngày hôm ấy - cái ngày chính thức đủ tuổi làm người lớn thật đáng ghi nhớ, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là cảm xúc nhất thời, vì đâu ai buồn mãi một nỗi buồn không thôi. Mặc dù bây giờ nhìn lại vẫn còn chút tiếc nuối, giá như mình chăm chỉ hơn, giá như mình quyết tâm hơn, nhưng những cái giá như ấy không thể xảy ra nữa rồi. Em chọn bước tiếp, em chọn tương lai, vì em không thể mãi đắm chìm trong quá khứ được.”

Thay vì ủ rũ mệt mỏi thái độ tiếp nhận sự thật của bạn Đường Kha Lâm quả thật đáng khâm phục và cần học hỏi: “Mình cũng từng trượt đại học mong muốn nhất, nhưng mình không thích đổ lỗi cho sự thiếu may mắn. Cho dù là sự bất cẩn, lụi sai hay thiếu 0.05 điểm đều là một phần của cuộc thi, là sự cố gắng rất nhiều để xứng đáng có được cái gọi là "may mắn" đó. Mình chấp nhận sự thiếu sót, yếu kém của bản thân để phát triển hơn. Thành công chỉ dành cho người xứng đáng và không ai có tất cả, cũng không ai mất tất cả. Buồn chút thôi rồi đứng dậy bước tiếp.”

Không phải chỉ những người không đủ khả năng mới trượt đại học, có những cá nhân nghĩ rằng việc đỗ đại học là việc trong tầm tay nhưng khi nhận được kết quả mọi thứ như tối sầm lại và đó cũng là câu chuyện của bạn Tường Vy: “Mình cũng đã từng rơi vào tình huống tương tự. Mình luôn tự tin rằng mình đủ khả năng, sẽ làm được nên chẳng mảy may có một backup plan gì cho việc “nếu trượt thì làm sao”. Và chuyện gì đến cũng đến, cái tôi cao ngất ngưỡng đã đánh gục mình. Mình trượt, mình như điên loạn và thậm chí cảm giác bước hụt đó lớn đến nỗi mình đã có ý định kết thúc sự sống. Mình thấy sự thất vọng não nề trong mắt ba mẹ, mình thấy sự tủi thân dâng cao trong lòng khi mình cũng là HSG, giải này giải nọ nhưng bây giờ phải ngồi thững thờ ở nhà với mớ suy nghĩ hỗn độn. Và, mình tự hỏi bản thân, con đường tương lai rốt cuộc sẽ phải đi thế nào đây.

Qua vài hôm vật lộn với đống giấy tờ xét NV2, mình đã đậu vài trường top dưới nhưng cái bóng trượt ĐH quá lớn cộng với chuyên ngành không mong muốn nên mình lại từ bỏ. Quyết tâm thi lại ĐH. Mình học 5 năm ĐH theo đúng chương trình, nỗ lực giành học bổng khuyến học, cố gắng hoà thành đúng hạn ra trường. Mình cũng cố gắng tích lũy kinh nghiệm bằng việc đi làm thêm ở TT ngoại ngữ. Giờ đã đi làm hơn 1 năm với công việc chính và những dự án freelance khác, mình rút ra được 1 điều: Thất bại sẽ làm con người thay đổi. Mình không còn tự cao tự đại, làm gì cũng suy nghĩ thấu đáo, luôn luôn xây dựng backup plan cho những tình huống xấu nhất. Cố gắng lên các em ơi, cuộc đời sẽ chẳng hững hờ khi mình luôn nỗ lực.”

Rõ ràng lời khuyên “nhìn về tương lai, mọi chuyện sẽ ổn” để nói với các bạn học sinh không đỗ đại học là lời nói thừa thải. Có thể thời điểm hiện tại các bạn chưa chấp nhận sự thật. Tuy nhiên tôi chỉ muốn nói sau này ra đời có nhiều chuyện đáng thất vọng đáng phải đứng lên hơn là việc thi trượt đại học. Một lần nữa mong các bạn trượt đại học sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

(có 10 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
9.269