04 điều cần chuẩn bị để “tán đổ” nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn xin việc

Công cuộc tìm việc làm chưa bao giờ là dễ dàng đối với người trẻ. Sau 77,99 cửa ải từ gửi CV, duyệt CV, cho đến việc nhà tuyển dụng mời bạn đến phỏng vấn quả thật rất khó nhằn. Vậy để một buổi phỏng vấn diễn ra thành công mang lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng bạn cần chuẩn bị những gì?

Chuẩn bị trang phục

Người xưa thường nói: “nhìn mặt mà bắt hình dong” quả thật không sai. Ấn tượng đầu tiên người lạ nhìn bạn đó là tác phong trang phục có chỉnh chu hay không. Khi đi phỏng vấn đừng chọn những loại trang phục màu sắc quá sặc sỡ, lòe loẹt hãy mặc những bộ đồ trang nhã lịch sự tạo cảm giác thoải mái phù hợp với đặc điểm công việc phỏng vấn như quần tây áo sơ mi gam màu dịu. Ngoài ra hãy chú ý đến hình ảnh tóc tai gọn gàng, sạch sẽ. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng đấy.

Thời gian

Yếu tố thời gian là một trong những yếu tố quyết định để nhà tuyển dụng đánh giá tác phong làm việc sau này của bạn. Ngay từ buổi phỏng vấn đầu tiên mà bạn đã đến trễ để người khác chờ đợi thì liệu khi làm việc bạn có cam kết được rằng mình luôn đúng giờ và hoàn thành công việc đúng thời hạn. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan để ứng viên trễ hẹn với nhà tuyển dụng tuy nhiên để tránh tối đa những điều không nên xảy ra đó bạn nên tìm hiểu kỹ địa điểm phỏng vấn. Tra bản đồ trên google map định vị hướng đi, ước lượng khung thời gian đi nếu như kỹ hơn nữa bạn có thể khảo sát địa điểm phỏng vấn trước một ngày. Sự chuẩn bị đó chưa bao giờ là thừa cả. Hãy trừ hao ra các khoảng thời gian như kẹt xe, hay những sự cố như quên mang hồ sơ, hay kiếm một món đồ vật trong phòng mà vặn đồng hồ báo thức sớm hơn thường lệ để đảm bảo có thể đến trước thời gian mà nhà tuyển dụng đã hẹn bạn trong email mời đi phỏng vấn.

Sự hiểu biết

Nhà tuyển dụng đánh giá rất cao sự hiểu biết của ứng viên khi đi phỏng vấn. Hiểu biết ở đây không phải là thông minh trí tuệ hơn người mà đó là sự tìm hiểu về công ty, về công việc vị trí có thể bạn sẽ làm trong tương lai. Hầu hết các công ty hiện nay đều có website và ở đó sẽ mô tả giới thiệu rõ quá trình hình thành và phát triển của công ty. Hãy lên mạng tìm hiểu, tương tự như đối với vị trí công việc hiện tại hãy lên báo mạng, tìm hiểu về mô tả công việc đó, định hướng phát triển của công việc nói chung tìm hiểu bất cứ điều gì mà bạn cho rằng nó giúp ích cho buổi phỏng vấn của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng sâu sắc về sự hiểu biết cũng như tinh thần tìm tòi nghiên cứu trước thông tin của bạn.

Tinh thần

Phỏng vấn xin việc không chỉ đơn giản là một buổi hỏi đáp thông thường mà nó áp lực hơn bạn tưởng. Những câu hỏi xoáy về kinh nghiệm cũng như khả năng sẽ khiến bạn “sợ rớt mồ hôi”. Nhưng hãy mang một tinh thần thoải mái nhất, cố gắng tập luyện ở nhà bao quát hết các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường hỏi luyện cho thần kinh của mình vững vàng hơn để khi nhận được những câu hỏi có sự chuẩn bị bạn sẽ mạch lạc trả lời với một tinh thần tự tin nhưng đừng quá tự cao đừng thể hiện bản thân quá nhiều. Thái độ tự tin thể hiện nhưng xen lẫn nguyện vọng ham học hỏi cầu thị lại biết lắng nghe sẽ là màn chốt hạ rằng bạn có thật sự phù hợp với vị trí mà họ cần.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.727