Thử việc và những điều cần biết

Thử việc được ví như giai đoạn “sống thử” trước hôn nhân. Trong giai đoạn thử việc, hai bên có cơ hội tìm hiểu, đánh giá nhau thật kỹ trước khi đi đến quyết định “kết hôn” chính thức bằng Hợp đồng lao động. Và người lao động cần biết một số điều dưới đây để có một quãng thời gian “sống thử” an toàn, hiệu quả.

 

1. Về thời gian thử việc

Về nguyên tắc, thời gian thử việc do hai bên tự thỏa thuận, tuy nhiên sự thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động không được vi phạm một số quy định:

- Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

2. Tiền lương khi thử việc:

Về tiền lương khi thử việc, pháp luật tôn trọng việc tự do thỏa thuận giữa các bên. Nhưng mức lương thử việc tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

3. Trong thời gian thử việc, các bên có quyền đơn phương chấm dứt thử việc mà không cần báo trước

Pháp luật xây dựng quy định về thử việc nhằm mục đích tôn trọng sự tự do ý chí của cả hai, tạo điều kiện để các bên tìm hiểu và đánh giá sự phù hợp lẫn nhau. Chính vì vậy, pháp luật lao động quy định trong thời gian thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

4. Thời gian thử việc không bắt buộc phải đóng Bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021. Nội dung hợp đồng thử việc không bắt buộc có điều khoản quy định về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Quy định này được hiểu rằng, trong thời gian thử việc Người sử dụng lao động không bắt buộc phải đóng BHXH cho người lao động. Quy định này phù hợp với thực tiễn, tránh những vướng mắc pháp lý trong quá trình thử việc cho cả hai bên vì thời gian thử việc hai bên không có quá nhiều ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi theo hợp đồng lao động.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.908