Những dấu hiệu của một buổi phỏng vấn không thành công

(có 1 đánh giá)

Thông thường trong quá trình tuyển dụng, các ứng viên đến dự phỏng vấn sẽ biết kết quả sau khoảng 3 – 5 ngày, hoặc chậm nhất là 7 – 10 ngày. Ngoại trừ những trường hợp mà nhà tuyển dụng không liên lạc để thông báo kết quả thì ứng viên sẽ biết kết quả buổi phỏng vấn trong khoảng thời gian nêu trên. Nhưng liệu có cần chờ đến 10 ngày để biết một kết quả mà bạn có thể phỏng đoán dựa trên những biểu hiện bạn có thể nhận biết? Một buổi phỏng vấn không thành công thường sẽ có những dấu hiệu sau…

Định nghĩa về “thành công” với ứng viên trong một buổi phỏng vấn không phải ai cũng giống nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ muốn nói đến việc cuộc phỏng vấn mà mà ở đó kết quả người phỏng vấn sẽ được tuyển dụng là thành công. Vậy những dấu hiệu đó là gì?

1. Bạn đến phỏng vấn trễ giờ mà không có lý do chính đáng

Lý do chính đáng có thể được thông cảm như xe hỏng, trời mưa đột ngột, địa chỉ công ty khó tìm… Tùy vào tính cách và quan điểm tuyển dụng thì các HR sẽ có sự đánh giá khác nhau về việc “đi trễ” của bạn. Và với một HR có kinh nghiệm, thì chỉ bằng vài câu hỏi và quan sát biểu hiện thì HR có thể nhận ra lý do đi trễ của bạn có chính đáng hay không.

Tuy nhiên với những lý do đi trễ như ngủ quên, không nhớ địa chỉ… và thời gian đi trễ quá lâu làm ảnh hưởng tới kế hoạch phỏng vấn của HR thì những trường hợp này thường sẽ bị HR đánh giá không tốt. Bạn có thể quan sát thái độ của HR để nhận ra rằng họ có thật sự khó chịu về sự trễ giờ của bạn hay không.

2. Nhà tuyển dụng không nói quá nhiều vào chuyên môn công việc

Thông thường khi phỏng vấn một ứng viên, mở đầu là những câu hỏi mang tính tìm hiểu, giới thiệu lẫn nhau thì nhà tuyển dụng sẽ đi thẳng vào vấn đề để đánh giá năng lực ứng viên có thể làm được việc hoặc có thể đào tạo để làm được việc hay không thông qua những câu hỏi mang tính chuyên môn, những câu hỏi khai thác kinh nghiệm làm việc.

Nếu như nhà tuyển dụng không đề cập tới vấn đề chuyên môn, yêu cầu công việc thì bạn cũng có thể ngầm hiểu rằng họ không quá “mặn mà” với bạn.

3. Nhà tuyển dụng không đề cập tới mức lương hoặc đề cập “hời hợt”

Đàm phán lương là một phần quan trọng trong buổi phỏng vấn tuyển dụng. Khi hai bên trò chuyện, tìm hiểu nhau kỹ. Khi nhà tuyển dụng nhận thấy có thể tuyển bạn vào công ty làm việc thì họ sẽ đề cập đến mức lương, mức chi trả của công ty và mong muốn mức lương của bạn.

Nếu như ở buổi phỏng vấn lần thứ nhất, hai bên chỉ nói sơ qua về chế độ lương. Nhà tuyển dụng sẽ nói về mức sẵn sàng chi trả, ứng viên sẽ nói về mức lương mong muốn. Hai bên ghi nhận, và thường là sẽ có buổi phỏng vấn vòng hai. Ở vòng hai, hai bên sẽ trao đổi kỹ hơn về mức lương, sẽ có sự đàm phán thỏa thuận để đi đến quyết định mức lương cuối cùng đảm bảo lợi ích của cả hai. Khi đi đến kết quả này, khả năng rất cao là bạn sẽ là người được chọn. Tuy nhiên nếu ở phỏng vấn vòng 2 mà hai bên không đàm phán kỹ và chốt mức lương thì bạn cũng có thể ngầm hiểu là họ đã “không mặn mà” với mình.

Còn nếu ngay từ phỏng vấn vòng 1 mà bạn không được nhà tuyển dụng nhắc đến mức lương thì cũng có thể hiểu đó làm một buổi phỏng vấn không thành công với bạn rồi.

4. Nhà tuyển dụng đưa ra những lời khuyên chân tình

Những nhà tuyển dụng “có tâm”, khi phỏng vấn những ứng viên không đạt chuyên môn, nhận thấy ứng viên có những khuyết điểm thì họ sẽ đưa ra những lời khuyên. Và khi nhận được những lời khuyên chân thành từ nhà tuyển dụng, bạn cũng nên ngầm hiểu rằng bạn không phải là người được chọn. Nhưng đừng quên cảm ơn, ghi nhận những lời khuyên của nhà tuyển dụng dành cho mình nhé, nó thật sự bộ ích đấy.

5. Thời lượng phỏng vấn quá ngắn

Buổi phỏng vấn đề hai bên tìm hiểu lẫn nhau. Chính vì vậy một buổi phỏng vấn cần một thời lượng đủ dài, thông thường là từ 15 – 25 phút/ứng viên. Nếu cuộc phỏng vấn kết thúc quá ngắn mà bạn chưa cung cấp hết thông tin về mình hoặc bạn chưa biết nhiều về nhà tuyển dụng thì bạn có thể ngầm hiểu bạn không phải là người được chọn.

6. Không đề cập đến bước tiếp theo

Nếu là phỏng vấn vòng 1, bạn sẽ có thông tin về phỏng vấn vòng 2, hoặc sẽ có lịch hẹn về thời hạn thông báo kết quả vòng 1. Nếu ở vòng 1 mà bạn không nhận được thông tin gì về bước tiếp theo trong quá trình tuyển dụng thì bạn không phải là người được chọn.

Nếu ở phỏng vấn vòng 2 thì quay lại dấu hiệu 3. Nếu không đề cập đến thời gian làm việc, quy trình làm việc sơ bộ hoặc không đề cập tới việc đàm phán lương thì có thể bạn không phải là người được chọn.

Chúng ta ai cũng hiểu rằng không phải mọi cuộc phỏng vấn đều sẽ mang lại một thoả thuận, cho nên thành hay bại đều có thể chấp nhận được. Điều quan trọng nhất là bạn có thể xuất hiện trong mắt nhà tuyển dụng như một người đam mê công việc, tự tin vào khả năng của bản thân, thiện chí và lịch sự. Trong bất cứ ngành nghề, danh tiếng sẽ tạo nên giá trị của bạn trên thị trường việc làm. Nếu buổi phỏng vấn diễn ra không như ý, công ty không thuê bạn thì bạn vẫn phải bảo vệ những ấn tượng chuyên nghiệp và tích cực về bản thân.

 

(có 1 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
5.449