Những vấn đề mà người mới đi làm dễ gặp phải

(có 2 đánh giá)

Từ vị trí là một sinh viên, việc học là quan trọng nhất chuyển mình thành một người lao động sau khi tốt nghiệp, đây có thể xem là bước chuyển mình quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người. Khi bắt đầu một hành trình mới, chắc hẳn ai cũng phải gặp những điều bỡ ngỡ. Khi đi làm cũng vậy, sẽ có những thứ khác biệt giữa đi làm và đi học đôi khi nếu không hình dung được sẽ khiến ta bị “choáng”. Để tránh những lần choáng váng đó, bạn nên hình dung trước những vấn đề mình có thể gặp phải bằng cách tham khảo những anh chị đi trước, hoặc đơn giản hơn là bạn có thể đọc thêm ở bài viết này.

1. Bạn không còn được “tự do thời gian”

Đây là điều mà mỗi người khi mới đi làm sẽ nhận thấy rõ nhất. Khi còn đi học, không ít lần chúng ta thức dậy trong cảm giác uể oải, mệt mỏi, và đó có lẽ là động lực lớn lao cho không ít người để họ đưa ra quyết định là “nghỉ học một buổi”. Trong thời đại số, truyền thông toàn cầu, việc tiếp cận với tri thức trở nên đơn giản hơn. Chính vì vậy, việc nghỉ một buổi học sẽ không phải là vấn đề quá lớn nếu như chúng ta có khả năng tự nghiên cứu, tự học ở nhà.

Tuy nhiên có một điều khác biệt khi đi làm là các bạn sẽ có ứng áp lực buộc mình phải vượt qua những cơn uể oải, mệt mỏi cá nhân để rời khỏi giường, vệ sinh cá nhân và tiến tới văn phòng làm việc. Thời đi học, bạn trả tiền để được học, bạn nghỉ học là lựa chọn của bạn. Tuy nhiên khi đi làm, bạn đi làm để được trả lương. Bên cạnh đó là những vấn đề kỷ luật công ty. Đó chính là động lực, cũng là áp lực lớn để bạn vượt qua những cơn uể oải sau một giấc ngủ dài.

2. Bạn sẽ phải bắt đầu làm quen với việc “tính toán cá nhân”

“Tính toán cá nhân” ở đây được hiểu ở nghĩa rộng và khái quát khá nhiều vấn đề.

Thứ nhất, về vấn đề tiền bạc. Thời sinh viên, tùy theo điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình mà mỗi người sẽ có những mức chu cấp khác nhau. Nên áp lực về chi tiêu tiền bạc sẽ không quá nhiều. Hơn nữa, với vị thế là một sinh viên, bạn sẽ buộc mình cân nhắc việc chi tiêu cá nhân. Bạn có thể dễ dàng từ chối lời rủ rê uống trà sữa của bạn bè nếu như cuối tháng hết tiền. Tuy nhiên khi đi làm lại khác, số tiền bạn kiếm ra mỗi tháng có thể gấp đôi, gấp ba số tiền mà bố mẹ chu cấp cho bạn thời đi học. Nhưng tỉ lệ thuận với số tiền bạn có là số tiền bạn buộc phải chi tiêu cho những mối quan hệ bạn không thể từ chối.

Những vấn đề mà người mới đi làm dễ gặp phải

Hình từ Internet

Đồng nghiệp rủ đi ăn uống, tiệc tùng. Đồng nghiệp rủ nhau uống trà sữa, ăn vặt… Thật khó để từ chối những lời rủ rê đó khi mà cả tập thể cùng có chung một sự lựa chọn. Và thực tế cho thấy, số tiền “tiêu vặt” lại chiếm phần lớn chi tiêu chính của bạn mỗi tháng nếu như không biết tiết kiệm và học cách từ chối đúng lúc. Lúc này, với những lời rủ rê từ đồng nghiệp, từ sếp… bạn sẽ phải cân nhắc việc đồng ý hay không. Quyết định của bạn phải thật sự khéo léo để dung hòa được những mối quan hệ trong xã hội cũng như túi tiền của mình.

Thứ hai, về những mối quan hệ xã hội. Khi đi làm, có thể xem mỗi người đều phải bước tới ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Mỗi một người khi làm một việc gì đó, đều xuất phát từ động cơ cá nhân và mục đích của riêng mình. Và những động cơ, mục đích của những người xung quanh không phải lúc nào cũng được xem là tốt với bản thân bạn. Những mối quan hệ trong xã hội, trong công ty cũng vậy. Không nên quá vô tư trải lòng “tất tần tật” với những người xung quanh, cũng không nên sống quá khép kín, tự khép lại cơ hội hòa nhập mới mọi người trong môi trường làm việc của mình. Đó là điều mà bạn phải cân nhắc.

3. Bạn nên biết “nhậu”

Nhậu ở đây không phải là “say xưa bét nhè” mà chỉ cần “biết uống”. Tại sao cần phải “biết uống”?

Dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể phủ nhận được một sự thật rằng văn hóa nhậu ở Việt Nam rất phổ biến, đặc biệt trong môi trường làm việc ở tất cả những lĩnh vực ngành nghề. Hợp đồng được ký trên bàn nhậu không phải là điều hiếm gặp. Chính vì vậy, biết nhậu chính là một lợi thế khi đi làm. Biết nhậu giúp bạn dễ hòa đồng với tập thể hơn, biết nhậu giúp bạn dễ làm việc với đối tác và biết nhậu cũng chính là cách để bảo vệ chính bản thân mình. Đặc biệt là những bạn nữ.

Nếu thời sinh viên khi còn đi học, chúng ta không hoặc ít tiếp xúc với rượu bia thì khi đi làm chắc chắn sẽ bị “sốc văn hóa”. Và bạn sẽ phải dần làm quen với việc này.

4. Đôi khi bạn phải biết “cúi mình”

Khi đi học bạn có thể thẳng thắn, mạnh dạn trình bày quan điểm của mình trước đám đông cho dùng quan điểm đó ít được chấp nhận trong tập thể. Bạn có thể dễ dàng bày tỏ sự không đồng tình trước lớp trưởng, trước thầy cô giáo. Tuy nhiên khi đi làm, đôi khi bạn phải cân nhắc thật kỹ đểl làm việc này. “Bật sếp” “Bật đồng nghiệp”, không phải lúc nào cũng nên làm, không phải lúc nào cũng được làm. Bạn sẽ phải cân nhắc thiệt hơn vì vị trí công việc của bản thân, vị sự thăng tiến của sự nghiệp. Đó là sự thật mà bạn phải đối mặt.

(có 2 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.250